Cuối năm 2019, khi chỉ đạo một hội nghị của ngành Công an nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở: Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức từ phế liệu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ cho rằng việc tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát nhất là đối với địa bàn lĩnh vực dễ phát sinh phế liệu, các cơ quan chức năng nhất là lực lượng cơ quan công an nhân dân, phải tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước kiên quyết chống các hiện tượng thiếu trách nhiệm, vô cảm trước yêu cầu chính đáng của người dân về vệ sinh môi trường. Giám sát xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm do sản xuất công nghiệp trong nước thải ra, đồng thời cũng phải xử lý chặt phế liệu nhập khẩu. Qua đó, cần mạnh tay ngăn chặn nhập các Container phế liệu. Một vấn đề nhức nhối dư luận từ những tháng đầu năm 2019 là hàng nghìn Container phế liệu nhập khẩu vô chủ tồn đọng từ năm này sang năm khác tại các cảng biển ảnh hưởng đến thời gian sản xuất kinh doanh tại cảng, gây ô nhiễm đến môi trường, phần lớn các Container tồn đọng là phế thải, phế liệu của thế giới, có nguy cơ làm ô nhiễm thêm đời sống xã hội Việt Nam. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã cấm nhập khẩu phế liệu thì một số công ty nhập khẩu của ta vẫn mượn lý do cần nguyên liệu sản xuất để nhập phế liệu của các nước.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, có tới khoảng 10.000 Container tồn đọng tại cảng biển gồm nhựa phế liệu, giấy phế liệu, đồ cũ đã qua sử dụng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân khách quan là một số nước đã hạn chế, thậm chí ngừng nhập một số phế liệu dẫn đến những nguồn phế liệu ấy được bán giá rẻ và đổ dồn sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, trong khi nhiều nước có cả nước ta lại thiếu các chính sách, biện pháp phòng ngừa từ xa, khiến đến khi hàng nhập đến cảng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết gây tồn ứ. Bên cạnh đó, có một số cơ sở giả mạo giấy tờ để nhập khẩu phế liệu khiến hàng nhập về không thể tiêu thụ, làm các cảng nước ta phải xử lý. Theo đó, chủ hàng lưu kho đó chịu nhiều thiệt thòi khi không còn tiền để mua nguyên liệu chính thức, phải chịu phí kho bãi tương đối lớn.

Ngày 19/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định 35/2019/QĐ-TTg về quy chế phối hợp liên ngành quản lý nhập khẩu phế liệu. Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện quyết định này sẽ không xảy ra tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu không đúng quy định, đặc biệt là chất thải. Muốn thế, trước khi dỡ hàng, các doanh nghiệp có tên trên đơn phải ký quỹ 20% giá trị lô hàng thì hải quan mới cho hàng xuống cảng. Những doanh nghiệp được cấp phép trên cơ sở phân loại của cơ quan Hải quan và cơ quan thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ được nhập khẩu hai loại hàng phế liệu tồn đọng chính hãng phù hợp với quy định của Bộ, ngoài ra, sẽ có hình thức xử lý riêng. Đối với hàng rác thải phóng xạ dưới quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chức năng có phương án tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Thời gian qua, Cục Hàng hải đã phối hợp với Hiệp hội nhựa và Hiệp hội giấy, tập hợp tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp để làm việc với hãng tàu, và cảng để giảm chi phí lưu kho tạo điều kiện cho chủ hàng lấy hàng về để không còn tồn đọng các Container phế liệu ở cảng. Đã có cảng và hãng tàu đồng ý giảm từ 70 đến 80% phí lưu kho lưu bãi Container, có cảng còn miễn 100% phí lưu kho. Với những chính sách mới và những hỗ trợ như vậy thiết nghĩ các doanh nghiệp đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đến khai báo làm việc với các cảng, cơ quan chức năng để có phương án rút hàng về giúp các cảng xử lý hàng hóa tồn đọng kịp thời và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng nên cho phép bán lại nhựa phế liệu vô chủ nhưng đủ quy chuẩn Việt Nam cho những doanh nghiệp đã được cấp phép. Còn với nhựa không đủ quy chuẩn các doanh nghiệp chủ hàng phải bóc tách thu hồi phần nhựa có giá trị cao, loại bỏ phần tạp chất không đáp ứng được đưa đến nhà máy xử lý rác thải.

Cuối năm 2019, việc xử lý, việc ngăn ngừa rác thải cũng tốt hơn trước. Chính những kinh nghiệm này cần phát huy để ứng dụng sang năm 2020, tiếp tục giữ môi trường sống của con người và môi trường xã hội nói chung không bị làm ô nhiễm rác thải. Cũng như không ảnh hưởng tới môi trường không khí ở các đô thị, đây cũng là cách góp phần giảm bớt sự lây lan tác hại của đại dịch viêm phổi cấp Covid-19.

Cần tiếp tục cảnh giác với nhập khẩu phế liệu, vì theo xếp hạng của thế giới, năm 2017 Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa, chỉ sau Trung Quốc và Malaysia. Năm 2018 Trung quốc cấm nhập khẩu 14 loại phế liệu nhựa và Việt Nam đứng thứ 2. Năm 2019 Malaysia cũng cắt gần hết danh mục nhựa được phép nhập khẩu, vì thế xu hướng nhựa đổ vào Việt Nam sẽ có thể gia tăng. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, sang năm 2020 thực hiện những quyết định của Chính phủ, từ năm 2019 về ngăn ngừa nhập khẩu rác thải phế liệu cần buộc lại nút lỏng. Không để trở thành bãi rác thải của thế giới. Thực hiện quyết định của Thủ tướng có sự phối hợp trách nhiệm giữa các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, các cơ quan khoa học và công nghệ và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Các địa phương cần chấm dứt việc cấp phép cho cơ sở nhập khẩu phế liệu về sơ chế, bán lại nguyên liệu cho cơ sở khác, không cấp mới giấy xác nhận, không gia hạn giấy xác nhận đối với doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu.

Được biết Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã đưa ra hàng loạt yêu cầu quy định như phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi các chủ hàng nhận hàng, và khi bản lược khai hàng hóa nhập khẩu có sự xác nhận đủ điều kiện về bảo về môi trường nhập khẩu về để làm phế liệu chuyển thành nguyên liệu sản xuất. Đối với hiệu lực và khối lượng phế liệu nhập khẩu, các tổ chức cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu phải có báo cáo tác động đánh giá môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.